Lẩu là món ăn được nhiều người lựa chọn trong cuộc gặp mặt hội ngộ của bạn bè và gia đình, rất phù hợp để ăn lai dai và ấm bụng vào những ngày thời tiết lạnh. Ngoài hương vị lẩu truyền thống như lẩu gà, lẩu bò,… bạn có thể áp dụng những công thức nấu lẩu lạ miệng– đa dạng bữa cơm hàng ngày cũng như làm đặc sắc hơn trong các cuộc hội ngộ. Cùng foodshownw khám phá các công thức nấu lẩu mới lạ nhé!
1.Lẩu gà rượu nếp
Nước lẩu gà thanh nhẹ, ngọt dịu xen lẫn hương rượu nếp thơm lừng, kết hợp với rau xanh đã tạo nên một món lẩu hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Nguyên liệu cơ bản:
- Gà ta: 1 con khoảng 2kg
- Nước và cái (khoảng 500g) rượu nếp đã ngấu
- Hành tím: 2-3 củ hành
- Rau thơm: mùi tàu
- Gia vị cơ bản: muối, hạt tiêu, mắm, muối, bột ngọt,…
- Xương ống heo: 1kg
- Bún tươi vừa đủ cho gia đình ăn
- Rau nhúng kèm: cải thảo, rau muống, ngải cứu, mồng tơi, nấm kim châm, nấm hương tươi,… tùy theo sở thích có thể thêm vào các loại rau khác.
Các bước làm lẩu gà rượu nếp
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Gà được làm sạch, chặt lấy từng miếng nhỏ vừa ăn
- Xương ống heo rửa sạch, đun sôi xương ống với nước và đổ nước luộc xương lần đầu đi.
- Cái rượu nếp rửa sạch, chia làm 2 phần: phần một để ướp gà, phần hai để pha nước dùng.
- Rửa sạch các loại rau nhúng kèm, cắt thành từng khúc vừa ăn (đối với cải thảo hay với 1 số rau dài )
- Bóc hành, đập dập và băm nhỏ. Mùi tàu rửa sạch cắt nhỏ khoảng 7cm.
Bước 2: Chế biến nước lẩu
- Ướp thịt gà cùng với hành băm, cái rượu nếp, thêm chút gia vị như mì chính, mắm, muối sao cho vừa ăn trong khoảng 15 phút.
- Xương ống được luộc qua lần đầu được hầm với 2 lít nước, có thể thêm phần cổ, cánh gà vào hầm cùng cho nước được ngọt.
- Sau khi ướp gà, bắc chảo lên bếp phi hành tím băm nhỏ sau đó cho gà đã ướp vào đảo đều cho săn thịt lại, khi gà vừa chín tới thì tắt bếp.
- Trước khi thưởng thức bỏ mùi tàu vào nước lẩu gà để tăng mùi hương.
Vậy là với các bước đơn giản, nhanh gọn, bạn đã có ngay một nồi lẩu gà rượu nếp thơm ngon, nóng hổi ăn lai dai rồi. Khi ăn lẩu, cho gà tới đâu nên ăn luôn khi chín đừng để quá lâu sẽ bị nát đó nha!
2.Lẩu bò nhúng dấm
Có thể các bạn đã từng được thưởng thức lẩu bò nhúng dấm tại các nhà hàng nhưng chưa biết cách làm. Vậy hãy cùng mình vào bếp thực hiện món lẩu này nhé!
Nguyên liệu:
- Thịt bắp bò : chọn lấy phần tươi 1kg
- Xương ống heo
- Nước dừa tươi khoảng 500ml
- Dứa quả
- Hành tây, hành tím : 1 củ
- Dấm gạo: 150ml
- Tỏi (4 tép) , sả (2 cây)
- Mắm nêm
- Đường phèn: 1 thìa nhỏ
- Gia vị cần thiết: muối, mắm, ớt cay (sa tế),…
- Rau ăn kèm: rau cải, khế chua, chuối xanh, rau thơm các loại,…
- Bún: mua vừa đủ ăn
Các bước nấu lẩu bò nhúng dấm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Xương ống được rửa sạch và trần trong nước sôi khoảng 5 phút để loại bỏ các chất bẩn. Bỏ nước luộc xương đầu tiên và rửa lại xương cho sạch.
- Dứa gọt vỏ, chia làm 3 phần: ¼ quả xay nhuyễn làm mắm nêm, ¼ thái thành thanh dài để làm rau ăn kèm. ½ quả thái lát mỏng cho vào nước lẩu tăng độ ngọt và chua.
- Hành tím, tỏi được băm nhỏ
- Sả đập dập, cắt khúc. Hành tây bỏ vỏ, thái dạng múi cau.
- Rau sống được nhặt sạch sau đó rửa với nước, để ráo. Chuối xanh hay khế chua cũng được thái thanh dài như dứa
- Xử lý thịt bò: rửa với nước muối sau đó dùng khăn giấy thấm ráo nước.
Bước 2: Nấu nước lẩu
- Hầm xương ống với 2 lít nước khoảng 1 giờ .
- Trong thời gian hầm xương, ta phi hành tím, tỏi và sả rồi cho vào nước hầm. Cùng lúc đó cho thêm nước dừa tươi, dấm gạo, hành tây và dứa vào.
- Đun sôi nước lẩu thì nêm gia vị sao cho vừa ăn: đường phèn, muối.
Bước 3: Pha mắm nêm
- Pha mắm nêm cùng với đường, nước lọc khuấy cho đường tan hết, sau đó cho thêm dứa được xay nhỏ, nước cốt chanh và ớt đảo đều lần nữa là được.
Sau khi pha mắm nêm là bạn bày thịt bò, rau ăn kèm cũng như bún ra bàn rồi thưởng thức món lẩu lạ miệng này thôi. Chắc chắn hương vị của lẩu bò nhúng dấm sẽ khiến bạn thấy thích và muốn ăn hoài không thôi.
3.Lẩu riêu cua bắp bò
Tiếp theo trong danh sách các món lẩu là lẩu riêu cua bắp bò- một sự kết hợp giữa mùi thơm đặc trưng của cua đồng và sự mềm ngọt của thịt bò.
Nguyên liệu:
- Cua đồng: 1kg
- Sườn sụn: 500g
- Xương ống heo: 500g
- Bắp bò: 600g
- Hành tím: 1 củ
- Tỏi: 4 tép
- Đậu phụ: 4 thanh
- Cà chua: 3 quả
- Rau ăn kèm: Tía tô, bắp chuối bào, rau muống chẻ, rau mồng tơi, cải cúc
- Mẻ : 1/2 bát con
- Gia vị cần thiết: mắm, muối, tiêu, bột nêm,…
- Bún: 500g
Các bước nấu lẩu riêu cua bắp bò
Bước 1: Sơ chế cua đồng
- Rửa cua đồng nhiều lần với nước đến khi nước trong (trong lúc nửa nên dùng đũa khuấy để cua nhả hết bùn đất).
- Sau khi cua được rửa sạch, bóc bỏ yếm, tách mai rồi dùng tăm lấy riêng phần gạch cua để riêng ra bát con.
- Giã nát thịt cua, thêm vài hạt muối để cua khi giã không bị bắn ra ngoài.
- Thêm nước vào thịt cua vừa giã, khuấy đều rồi lọc nhiều lần, bỏ phần bã cua.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Sườn sụn được trần nhanh 3 phút với nước sôi cho sạch chất bẩn sau đó rửa sạch sụn và thái thành từng miếng mỏng,
- Xương ống được rửa sạch và trần trong nước sôi khoảng 5 phút để loại bỏ các chất bẩn. Bỏ nước luộc xương đầu tiên và rửa lại xương cho sạch.
- Bắp bò rửa sạch, dùng khăn giấy thấm cho ráo nước, thái thịt bò thành từng miếng mỏng xếp ra đĩa.
- Rau ăn kèm được nhặt sạch sau đó rửa với nước, để ráo.
- Đậu phụ được cắt miếng nhỏ rồi đem đi chiên vàng trong dầu.
- Cà chua rửa sạch, thái múi cau. Hành tím, tỏi bóc vỏ băm nhỏ.
- Mẻ cho vào bát nước khuấy đều rồi lọc lấy 1/2 bát con nước.
Bước 3: Nấu nước lẩu riêu cua
- Phần nước cua lọc được cho vào vài hạt muối tinh khuấy đều rồi đặt lên bếp đun sôi.
- Phi thơm hành tím cho gạch cua cùng xào chín, thêm chút gia vị cần thiết sao cho vừa ăn.
- Nước xương ống được ninh lấy cho vào nồi nước cua vừa đun, thêm cà chua vào.
- Cho bát nước mẻ đã được lọc vào nồi nước lẩu để tăng mùi thơm.
Lẩu riêu cua bắp bò có màu sắc đẹp mắt, vị thơm ngon đặc trưng của cua đồng. Nước lẩu ngọt thanh, chua dịu, thơm mùi mẻ cùng với chút cay cay của sa tế. Thịt bắp bò chỉ cần nhúng nhanh 10s vào nồi lẩu đang sôi cho thịt chín tái là có thể ăn luôn được nhé. Lẩu riêu cua ăn cùng bún trắng hoặc bánh đa đều ngon.
Trên đây là tổng hợp 3 công thức nấu lẩu ngon mà lạ miệng– đa dạng hơn cho các cuộc gặp mặt, hội ngộ gia đình hay bạn bè.